Chỉ trong cuối tuần trước, việc xây dựng “siêu cảng” tỉ USD Cần Giờ được đề cập tới 2 lần. Trước đó, từ cuối năm 2022, trong kế hoạch phát triển hệ thống hạ tầng cảng biển trên địa bàn đến năm 2030 của UBND TP.HCM, đầu tư cảng container trung chuyển quốc tế tại H.Cần Giờ cũng là hạng mục được thành phố ưu tiên nghiên cứu quy hoạch.
Có đầy đủ các điều kiện, Cần Giờ đang cần sự quyết liệt thúc đẩy triển khai xây dựng siêu cảng trung chuyển để đột phá kinh tế không chỉ cho TP, vùng Đông Nam bộ mà cho kinh tế cả nước.
Cơ hội cảng trung chuyển quốc tế
Nói về tầm quan trọng của cảng trung chuyển hàng hóa quốc tế, ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, Tổng giám đốc Công ty CP cảng Sài Gòn, cho biết gần 50% hoạt động trung chuyển hàng hóa quốc tế đang trung chuyển tại khu vực Đông Á. Trên trục này, từ Âu sang Á và từ Á đi Mỹ đều đi ngang qua các vùng biển tại VN. Biển Đông đang là lợi ích cốt lõi trong thương mại không chỉ của một vài quốc gia mà cho cả thế giới. Thế nhưng, theo số liệu của các đơn vị tư vấn về hàng hải thì VN chỉ chiếm 2,5% lượng hàng hóa vận tải toàn cầu.
Hiện nay, Cái Mép – Thị Vải làm rất tốt vai trò tiếp nhận tàu lớn thì cũng chỉ phục vụ tính chất cảng cửa ngõ, trung chuyển được chưa tới 5% hàng từ Campuchia sang, hoàn toàn không có hàng trung chuyển quốc tế. “Trong 900 triệu TEU (viết tắt tiếng Anh, 1 TEU = 1 container (dài) 20 feet) hàng hóa vận tải toàn cầu thì hàng trung chuyển chiếm 30%. Đây là phân khúc thị trường mà lâu nay ngành hàng hải VN luôn mơ ước. Tổng công ty hàng hải VN đã hơn 20 năm nghiên cứu, đầu tư cụ thể tại cảng Vân Phong với mong muốn hình thành một cảng trung chuyển quốc tế, song chưa đạt như mong muốn. Hãng tàu MSC mang hàng trung chuyển về cảng hiện thực hóa mục tiêu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ sẽ tạo một trung tâm trung chuyển cho các tàu mẹ (sức chở 10.000 – 24.000 TEU), đẩy mạnh hoạt động trung chuyển container giữa các trung tâm khác trên thế giới. Từ đó, nâng cao năng lực tiếp nhận hàng hóa, đồng thời giải quyết tình trạng tắc nghẽn hàng hóa tại các cảng hiện nay ở VN”, ông Nguyễn Lê Chơn Tâm khẳng định.
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP tư vấn thiết kế cảng – kỹ thuật biển (Portcoast), gọi cảng trung chuyển quốc tế ở VN không phải ước mơ của một DN mà của tất cả những người liên quan đến ngành hàng hải, gắn bó với vận tải biển. Có cảng trung chuyển sẽ có rất nhiều tuyến feeder (tuyến trung chuyển chuyên tuyến) phân phối từ đây, chắc chắn các DN vận tải biển, vận tải thủy nội địa sẽ có cơ hội để phát triển. Vì thế, từ Quy hoạch 791 năm 2005 cho tới các quy hoạch sau này đều xác định cố gắng phát triển các cảng trung chuyển quốc tế tại VN. Nghị quyết 36 năm 2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng tiếp tục xác định chức năng trung chuyển quốc tế. Tuy nhiên, bao nhiêu năm qua VN không làm được, mặc dù giai đoạn 2005 – 2007, Tổng công ty hàng hải VN cũng đã thực hiện xây dựng cảng tại Vân Phong với ý nghĩa “làm mồi”.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, để hình thành cảng trung chuyển quốc tế, có những điều kiện cần và đủ. Điều kiện cần là gần tuyến hàng hải quốc tế, có độ sâu tự nhiên thuận lợi, các kết nối giao thông, cơ chế chính sách và các điều kiện liên quan đến phát triển đội tàu biển… Với điều kiện đủ, cái đầu tiên và thiết yếu nhất là phải có hãng tàu – những người trực tiếp vận tải container toàn cầu. “Những việc này từ xưa đến nay VN không làm được. Nay, khi MSC – hãng tàu hàng lớn hàng đầu thế giới – đề xuất xây cảng trung chuyển quốc tế ở Cần Giờ thì đây thật sự là cơ hội của quốc gia. Ước mơ cảng trung chuyển quốc tế sẽ được hình thành”, ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.